Kỹ thuật lấy, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm làm xét nghiệm hóa sinh

Đăng bởi Nguyễn Văn Dũng vào lúc 2020-04-15

Máu là bệnh phẩm quan trọng và được dùng nhiều nhất. Thông thường mẫu máu để phân tích các chỉ số hoá sinh là máu tĩnh mạch, cũng có khi là máu động mạch hoặc mao mạch. Từ máu ta thu được các loại nghiệm phẩm sau: Máu toàn phần: lấy máu cho vào ống nghiệm có chất chống đông sẽ có máu toàn phần

1. KỸ THUẬT LẤY, BẢO QUẢN BỆNH PHẨM LÀ MÁU

Máu là bệnh phẩm quan trọng và được dùng nhiều nhất. Máu đóng vai trò trung tâm trong quá trình vận chuyển nước và các chất hoà tan (chất dinh dưỡng, chất cặn bã). Máu là môi trường nội môi của cơ thể. Cơ thể luôn đảm bảo sự hằng định nội môi, nghĩa là các thông số hoá sinh của máu luôn ở trạng thái ổn định động (chúng dao động trong giới hạn sinh lý nhất định). Khi các trị số của một thông số nào đó vượt khỏi giới hạn sinh lý thì chúng phản ánh một bệnh lý nào đó.

Thông thường mẫu máu để phân tích các chỉ số hoá sinh là máu tĩnh mạch, cũng có khi là máu động mạch hoặc mao mạch. Từ máu ta thu được các loại nghiệm phẩm sau: Máu toàn phần: lấy máu cho vào ống nghiệm có chất chống đông sẽ có máu toàn phần Huyết tương: ly tâm máu toàn phần sẽ thu được huyết tương.Huyết thanh: lấy máu cho vào ống nghiệm không có chất chống đông, đợi 5- 10 phút cục máu đông sẽ hình thành và tiết ra huyết thanh.

1.1. Chuẩn bị dụng cụ:

Ống nghiệm 5ml, giá đựng ống nghiệm, bút ghi kính Bộ đồ lấy máu tĩnh mạch: bơm kim tiêm (3-5ml), dây garô, bông cồn, panh... Tất cả các dụng cụ phải sạch, khô, vô khuẩn.

1.2.Chuẩn bị bệnh nhân:

Nên lấy máu bệnh nhân vào buổi sáng sớm, lúc đói vì lúc đó nồng độ các chất trong máu phản ánh tương đối trung thực thông số thực của bệnh nhân, đồng thời tránh được các yếu tố có thể gây sai số. Nếu bệnh nhân mới đến cần cho nghỉ 15- 20 phút trước khi lấy máu. Cần giải thích cho bệnh nhân trước khi lấy máu để bệnh nhân không bị bất ngờ và sẽ hợp tác với nhân viên y tế. Trong một số xét nghiệm như như xét nghiệm khí máu ( phân tích các rối loạn thăng bằng acid, bazơ) cần giải thích kỹ cho bệnh nhân để bệnh nhân ở trạng thái bình tĩnh, tránh gây tăng thông khí phổi dân đến nhiễm kiềm hô hấp, các thông số cần định lượng sẽ bị sai lệch.

1.3.Cách lấy máu:

1.3.1. Lấy máu tĩnh mạch

Thường lấy ở tĩnh mạch khuỷu tay. Tư thế bệnh nhân nằm hoặc ngồi, tay duỗi thoải mái trên vật cứng. Dùng dây garô thắt ở vị trí trên khuỷu tay 2-3 cm, sát khuẩn, chọc kim vào tĩnh mạch, kéo nhẹ bơm tiêm để kiểm tra xem kim đã chắc chắn vào tĩnh mạch hay chưa. Bỏ dây garô rồi mới lấy máu để tránh hiện tượng ứ máu làm tăng lượng CO[sub]2[/sub], O[sub]2[/sub] có trong máu. Khi lấy máu cần chú ý:
- Lấy đủ số lượng máu để làm, căn cứ vào số lượng test cần làm thường lấy từ 2- 5ml máu.
- Không làm vỡ hồng cầu.
- Lựa chọn chất chống đông phù hợp. Chất chống đông là chất loại bỏ đi ion Ca[sup]++[/sup] vì thế làm cho máu không đông. Có rất nhiều loại chất chống đông như: EDTA ( muối ethylen diamin tetraacetic acid), kali oxalat, natri citrat, heparin....Trong đó EDTA thường dùng cho các xét nghiệm huyết học. Heparin thường dùng cho xét nghiệm hoá sinh. Để định lượng fibrinogen dùng chất chống đông là Natri citrat. Định lượng Ca toàn phần không dùng chất chống đông.

1.3.2.Cách tách huyết thanh

Lấy máu vào ống nghệm không có chất chống đông. Đợi đông: nếu muốn nhanh để ống nghiệm đựng máu ở tủ ấm cốt giữ cho máu đạt 30[sup]o[/sup]C để cục huyết thanh hình thành một cách tự nhiên và tiết ra huyết thanh nhiều nhất. Khi máu đã đông dùng que thuỷ tinh nhẹ nhàng tách phần cục huyết dính vào thành ống. Cục huyết dễ co lại và nhanh tiết ra huyết thanh. Đem ly tâm 2500v/15 phút hoặc 3000v/5phút, sau đó dùng pipep tự động hút lấy huyết thanh.

1.4.Cách bảo quản bệnh phẩm.

Huyết tương tách sớm trong vòng 1 giờ sau khi lấy máu, nhất là khi làm xét nghiệm điện giải để tránh sự khuyếch tán K[sup]+ [/sup]từ hồng cầu ra.
Huyết thanh phải tách trước 2 giờ kể từ khi lấy máu. Để ở nhiệt độ phòng, đậy nút tránh bay hơi và nhiễm khuẩn.
Huyết thanh và huyết tương cho phép được bảo quản < 4 giờ ở nhiệt độ phòng và 1- 2 ngày ở 2-8[sup]o[/sup]C. Muốn giữ lâu hơn cần phải để ở ngăn đá và đậy nút kín.
Các xét nghiệm về enzym cần làm trên huyết tương hoăch huyết thanh tươi. Định lưọng glucose máu cần làm ngay vì sau 1 giờ nồng độ glucóe máu giảm 7%.Trong khi đó có những chất tương đối bền ở 20[sup]o[/sup]C trong thời gian dài như acid uric, cholesterol, triglycerid.
Bệnh phẩm để làm bilirubin máu phải bọc giấy đen để tránh chuyển thành biliverdin dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời.

2. CÁCH LẤY VÀ BẢO QUẢN NƯỚC TIỂU. 

Nước tiểu là một dịch bài tiết quan trọng của cơ thể, có nhiệm vụ đào thải ra bên ngoài những chất độc, chất cặn bã sinh ra trong quá trình chuyển hoá các chất.
Sự thay đổi tính chất vật lý hoá học, thành phần của nước tiểu phản ánh rõ sự rối loạn chuyển hoá các chất và hoạt động của các cơ quan nội tạng như gan, thận, tuyến nội tiết. Mục đích của việc làm các xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán, theo dõi quá trình điều trị bệnh của các cơ quan kể trên.

2.1. Với xét nghiệm nước tiểu một lần

2.1.1.Dụng cụ:
Dùng ống nghiệm to hoặc lọ penicillin có nút. Tất cả phải sạch, khô, vô khuẩn. Tốt nhất nên dùng lọ nhựa, dùng một lần bỏ đi.

2.1.2.Cách lấy nước tiểu 
Thời điểm lấy: thường lấy vào buổi sáng sớm, lúc đói (khi bệnh nhân mới ngủ dậy). Nước tiểu lúc này đậm đặc nhất vì được tích tụ lâu trong bàng quang và không phụ thuộc vào chế độ ăn uống cũng như hoạt động của cơ thể như ban ngày. Vì thế lấy nước tiểu lúc này làm xét nghiệm là tốt nhất. Trong một số trường hợp đặc biệt thì thời điểm lấy nước tiểu phù hợp nhất như sau: 
- Nghi ngờ có glucose niệu thì lấy nước tiểu sau bữa ăn. 
- Lấy nước tiểu 2 giờ / lần để xét nghiệm tìm urobilinogen trong bệnh tan máu, hoặc để soi căn Addis. 
- Viêm đường tiết niệu lấy nước tiểu buổi sáng sớm ngủ dậy. Với các xét nghiệm định tính thông thường dùng nước tiểu bất kỳ thời gian nào trong ngày. 
Cách lấy: lấy nước tiểu giữa dòng, bỏ phần đầu, phần cuối bãi (do dễ có tạp nhiễm bởi dịch nhày, tế bào bong, vi khuẩn). 

2.1.3.Cách bảo quản 
Tốt nhất nên dùng nước tiểu tươi để ở nhiệt độ phòng thí nghiệm. Vì vậy nước tiểu sau khi lấy xong đưa lên phòng xét nghiệm làm ngay, chậm nhất là 1 giờ sau khi lấy. 
Nếu để lâu nước tiểu bị lên men bởi vi khuẩn . Nhiệt độ cao cũng làm hỏng các mẫu nước tiểu. Cụ thể các chất hữu cơ trong nước tiểu bị phân huỷ, ure bị phân huỷ thành NH[sub]3[/sub] do đó làm tăng độ pH của nước tiểu. Các tế bào hồng cầu, bạch cầu bị biến dạng. Các chất vô cơ hữu cơ khác cũng bị phân huỷ. 
Nếu chưa phân tích mẫu nước tiểu ngay có thể bảo quản ở 2-8[sup]o[/sup]C trong vòng 3 ngày. Nếu để lâu hơn 3 ngày phải để ở ngăn đá. 

2.2. Lấy nước tiểu 24 giờ
 
Dùng cho các xét nghiệm định lượng như định lượng glucose niệu, định lượng protein niệu.... 

2.2.1.Dụng cụ 
Thường dùng bô có nắp đậy. Bô đựng nước tiểu phải rửa sạch, không lẫn chất tẩy rửa, dội nước sôi để tiệt khuẩn kể cả nắp đậy. 

2.2.2. Cách lấy 
Đến giờ ấn định cho bệnh nhân đái hết, bỏ phần nước tiểu đó đi. Trong 24 giờ tiếp theo hứng tất cả nước tiểu của bệnh nhân đái ra vào một cái bô sạch (hứng cả phần nước tiểu khi bệnh nhân đại tiện). Ngày hôm sau vào giờ thứ 24 cho bệnh nhân đái lần cuối cùng vào bình ta được nước tiểu 24 giờ. 
Cách dặn bệnh nhân: 6h sáng mai đái hết bỏ đi.Những lần đi đái tiếp theo hứng cả vào bô (kể cả khi đi đại tiện). Đến 6h sáng ngày hôm sau đi đái lần cuối cùng vào bô. Để bô vào chỗ mát, có nắp đậy để tránh sự bốc hơi. 

2.2.3. Cách bảo quản 
Để tránh lên men làm hư hại tế bào và ngăn chặn sự phát triển của tạp khuẩn người ta dùng các chất chống thối như sau: 
- Thymol pha trong cồn tạo dung dịch 10%. cho từ 5 – 10ml/ nước tiểu 24 h. Chú ý không dùng thymol khi làm xét nghiệm liên quan đến protein, bilirubin, glucose vì thymol sẽ làm sai kết quả. 
- Phenol: 1 giọt cho 30ml nước tiểu 
- Acid HCl 5ml cho nước tiểu 24h


Chia sẻ với bạn bè

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH XÉT NGHIỆM