Xét nghiệm EBV giúp phát hiện virus EBV có trong máu hay không?

Đăng bởi xuanson19822001@yahoo.com vào lúc 2020-04-26

    EBV là tên của một loại virus có tên là Epstein - Barr hay herpesvirus 4 ở người. Đây là một gamma virus và chúng phổ biến tới mức 90% người trưởng thành đã từng bị nhiễm virus này và có xuất hiện kháng thể để chống lại virus. Xét nghiệm EBV giúp phát hiện virus EBV có trong máu hay không.

1. Giới thiệu virus EBV
    EBV là virus lây truyền từ người sang người qua đường nước bọt, hay còn được gọi với cái tên khác là bệnh của nụ hôn. Ở trẻ em, khi nhiễm virus cấp thường sẽ không có biểu hiện hay triệu chứng gì khác thường.

    Ở người trưởng thành hay thanh thiếu niên thì có khoảng 30 - 50% người có biểu hiện của bệnh bạch cầu đơn nhân. Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thì virus EBV còn liên quan đến những rối loạn lympho hay một số bệnh ung thư như ung thư mũi họng, bệnh đa xơ cứng hay Burkitt's lymphoma và Hodgkin's lymphoma.

    Những xét nghiệm EBV được chỉ định để chẩn đoán người mới nhiễm virus EBV ở giai đoạn cấp tính hoặc đã từng nhiễm hay bị nhiễm tái phát.


Virus EBV gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân

2. Các xét nghiệm EBV
    Để xét nghiệm virus EBV có trong máu hay không người ta dùng những xét nghiệm miễn dịch sau:

2.1. Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên vỏ IgM của virus
    Trong giai đoạn cấp của việc nhiễm EBV, VCA IgM sẽ xuất hiện sớm và có thể biến mất trong khoảng 4 - 6 tuần hoặc cũng có thể kéo dài dai dẳng đến vài tháng.

2.2. Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên vỏ IgG của virus
    EBV VCA IgG cũng có thể xuất hiện sớm ở giai đoạn nhiễm EBV cấp xét nghiệm kháng nguyên kháng thể khi nhiễm EBV, nó xuất hiện cùng thời gian với VCA IgM và có thể đạt đến mức cao nhất ở thời điểm 2 - 4 tuần kể từ khi khởi phát và sẽ giảm dần rồi tồn tại trong suốt cuộc đời người đó.

2.3. Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên D từ sớm
    Dù có thể không thường xuyên có mặt nhưng kháng thể kháng EA-D IgG sẽ tăng trong vòng 3 - 4 tuần đầu và có thể biến mất sau 3 - 4 tháng. Ở nhiều trường hợp, người bệnh được phát hiện có kháng thể kháng EA-D IgG cũng là một dấu hiệu cho thấy người đó đã nhiễm virus EBV hoạt động.

    Tuy nhiên cũng có trường hợp nhưng người khỏe mạnh cũng tồn tại trong cơ thể kháng thể kháng EA-D trong khoảng thời gian nhiều năm, trường hợp này chiếm 20% số người khỏe mạnh.

    Xét nghiệm tìm kiếm những kháng thể kháng kháng nguyên từ virus sẽ cho biết tình trạng nhiễm EBV

2.4. Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên 1 nhân Epstein Barr
    Được xác định bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang, EBNA-1 IgG sẽ không xuất hiện ở thời gian 3 - 4 tuần đầu trong giai đoạn cấp nhiễm EBV nhưng nó sẽ xuất hiện dần dần và tồn tại trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tháng kể từ sau khi có dấu hiệu khởi phát những triệu chứng, vì thế nó được xem là một trong những chỉ dẫn khi nhiễm EBV đã qua.

    Ở những bệnh nhân nhiễm EBV mạn hay bị suy giảm miễn dịch, EBNA-1 IgG thường sẽ cho kết quả âm tính hoặc có mức độ thấp.

3. Khi nào được chỉ định xét nghiệm EBV?
    Kháng thể EBV ở trong huyết tương được chỉ định ở những trường hợp sau:

  - Bệnh nhân có những dấu hiệu cũng như triệu chứng bệnh bạch cầu đơn nhân. các triệu chứng gồm có: mệt mỏi, viêm họng. sốt, khó chịu, sưng hạch bạch huyết tại cổ hay nách, đau đầu, sưng amidan, nổi mẩn và lách to,…

  - Khi bác sĩ muốn xác định người bệnh đã tiếp xúc với virus EBV trước đây hay chưa.

  - Khi người mẹ mang thai có những triệu chứng giống như cúm thì bác sĩ thường sẽ muốn xác định thai phụ đó có phải có những triệu chứng đó do virus EBV hay không hay là do những vi sinh vật gây cảm cúm thông thường.

  - Những xét nghiệm này có thể được lặp lại nhiều lần khi bác sĩ muốn theo dõi mức độ kháng thể thay đổi như thế nào khi mà xét nghiệm đầu tiên có kết quả âm tính nhưng vẫn nghi ngờ bệnh nhan nhiễm EBV.

4. Ý nghĩa của xét nghiệm EBV
    Xét nghiệm EBV thường là những xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên của virus EBV, cho nên kết quả nhận được chính là xác định sự có mặt của các kháng thể đó. Kết quả báo cáo là dương tính có nghĩa là trong cơ thể có kháng thể, còn âm tính tức là cơ thể không có kháng thể hoặc kháng thể ở mức thấp chưa đủ để phát hiện được trên xét nghiệm. Kết quả kiểm tra cũng có thể cho biết hiệu giá kháng thể trong cơ thể người bệnh.

    Xét nghiệm này cũng có thể sẽ phát hiện được loại kháng thể có tên immunoglobulin có ở trong máu. Kháng thể này cho ta biết việc nhiễm trùng xảy ra mới đây hay đã cũ. Kháng thể IgM cũng chỉ được tìm thấy ở giai đoạn cấp nhiễm virus EBV và cũng là giai đoạn mà bệnh bạch cầu đơn nhân hoạt động. Các kháng thể IgG thường được tìm thấy sau 3 - 4 tuần khi nhiễm virus.

    Kết quả xét nghiệm có thể sẽ có sau khoảng 3 ngày.

    Bình thường, hiệu giá sẽ nhỏ hơn và trong khoảng 1 đến 10 (1:10) thì đây là người bình thường. Nếu hiệu giá tiêu chuẩn dưới 1:10 thì tức là chưa bao giờ tiếp xúc với virus EBV và kháng thể EBV VCA IgM âm tính. Nếu có mặt IgG thì người đó đã từng tiếp xúc với EBV ở trong quá khứ.

    Hiệu giá thể hiện sự bất thường là khi nó lớn hơn 1 đến 10 hay 1:10 nhưng lại nhỏ hơn 1:320 tức là người này đã bị nhiễm EBV trong quá khứ. Hiệu giá 1:320 hay cao hơn con số đó tức là người này đang bị nhiễm EBV hoạt động hay chính là bị bệnh bạch cầu đơn nhân, khi đó kháng thể EBV VCA IgM thường cho kết quả dương tính.

5. Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm EBV
    Trong vài tuần đầu khi bị nhiễm EBV, xét nghiệm kháng thể chống EBV có thể cho kết quả âm tính giả. Nếu như xét nghiệm đầu tiên không cho kết quả dương tính với EBV nhưng người bệnh vẫn có triệu chứng thì có thể lặp lại xét nghiệm sau đó 1 - 2 tuần.


Chia sẻ với bạn bè

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH XÉT NGHIỆM