Sức khỏe của thai phụ luôn cần được chú ý đặc biệt bởi bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe mẹ cũng có thể dẫn đến những tác động không mong muốn đến thai nhi. Chính vì vậy mà việc làm các xét nghiệm theo dõi sức khỏe và tầm soát các biến chứng thai kỳ trong đó có xét nghiệm LA là vô cùng cần thiết.
1. Xét nghiệm LA là gì?
Hội chứng Antiphospholipid (hay còn có tên gọi khác là hội chứng kháng Phospholipid APS) là một loại bệnh tự miễn. Hội chứng này đã được y học chứng minh rằng có liên quan đến các tình trạng biến chứng thai kỳ như sảy thai nhiều lần, thai lưu, tắc mạch, tiền sản giật, thụ tinh ống nghiệm thất bại và thai nhi kém phát triển.
Giải thích cho tình trạng này là do các kháng thể gây hoạt hóa bạch cầu mono, tiểu cầu, tế bào biểu mô dẫn đến quá trình đông máu ở động, tĩnh mạch. Đồng thời, sự xâm nhập của kháng thể vào nguyên bào nuôi cũng dẫn đến tình trạng bất ổn định ở bánh nhau.
Đây là xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng đông lupus trong huyết tương của bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu như thai nhi chậm phát triển, có tiền sử thai chết lưu trong tử cung và tiền sản giật nặng, xuất hiện huyết khối, đau đầu liên tục, đau nhức các chi, giảm tiểu cầu,...
Kết quả xét nghiệm LA dương tính lần xét nghiệm thứ nhất thì cần làm lại xét nghiệm LA sau đó 5 - 7 ngày để xác định người bệnh có dương tính với hội chứng Antiphospholipid. Đôi khi xét nghiệm cũng cho kết quả “dương tính giả” có thể do kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ hay do cơ thể đang bị viêm, nhiễm trùng.
Xét nghiệm LA giúp chẩn đoán, phát hiện sớm hội chứng antiphospholipid ở phụ nữ mang thai từ đó có các cách điều trị kịp thời, giúp hạn chế những biến chứng xảy ra.
2. Quy trình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm
Nên lấy mẫu máu xét nghiệm vào buổi sáng sớm vì đây là thời điểm thích hợp, kết quả cho ra là chính xác nhất. Trong vòng 12 tiếng trước khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn như chè hay rượu bia,...
Tiến hành lấy máu tĩnh mạch của bệnh nhân để thực hiện xét nghiệm. Mẫu máu sau khi được lấy phải cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông Natri-Citrat 3.2% hoặc 3.8% (nếu làm trên máy đông máu) hoặc ống EDTA (nếu làm Elisa) và chuyển đến phòng xét nghiệm càng sớm sàng tốt.
3. Các đối tượng nên làm xét nghiệm LA
Xét nghiệm này giúp phát hiện khả năng mắc hội chứng Antiphospholipid ở phụ nữ mang thai, vì vậy chúng thường được chỉ định với các đối tượng sau:
- Phụ nữ có tiền sử sảy thai nhiều lần và tiền sản giật nặng.
- Người mắc chứng rối loạn miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren,...
- Người mắc các bệnh lý như: giang mai, sùi mào gà, HIV/AIDS,…
- Người sử dụng một trong các loại thuốc như thuốc chống động kinh, điều hòa huyết áp, thuốc ổn định nhịp tim, thuốc kháng sinh,... cũng có nguy cơ cao bị hội chứng Antiphospholipid.
- Người có tiền sử gia đình đã từng hoặc đang mắc hội chứng Antiphospholipid.
Hội chứng Antiphospholipid gây thiếu máu não
Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng sau người bệnh cũng nên đi đến các cơ sở y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe.
- Dưới da xuất hiện các khối máu đông gây sưng, đỏ da và có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Đã từng sinh non, thai chết lưu hoặc bị sảy thai nhiều lần.
- Người từng bị đột quỵ, mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Người thiếu máu não, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, đau nửa đầu, hay quên, co giật do máu vón cục gây tắc nghẽn mạch máu, không cung cấp đủ cho não.
- Hiện tượng xuất huyết dưới da thành các vùng lốm đốm đỏ, rất nguy hiểm.
Hiện tượng xuất huyết dưới da
- Người bị phát ban thường xuyên, hình dạng vết ban hình lưới.
- Chảy máu mũi, máu nướu, kỳ kinh nguyệt bất thường.
4. Những điều cần biết khi mắc hội chứng Antiphospholipid
Khi mắc hội chứng Antiphospholipid người bệnh thường xuyên xuất hiện các khối máu tụ, máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu. Vì vậy, cần chú ý những điều sau:
- Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, vì nicotin trong thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
- Tránh lạm dụng thuốc tránh thai vì thuốc tránh thai có khả năng gây nguy cơ cao đông máu.
- Chế độ sinh hoạt và tập luyện điều độ, hợp lý, hạn chế ngồi yên một chỗ trong thời gian dài.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống chứa cồn như bia, rượu,...
- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt cần tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin có trong rau xanh, trái cây, đồng thời hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất đường bột.
- Đối với bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao,... khả năng đông máu tăng lên nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.