Suy thận là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng ở giai đoạn sớm ít có biểu hiện lâm sàng nên người ta thường phát hiện ra khi xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý khác hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Để tránh tình trạng bệnh vào giai đoạn muộn, khó khăn trong điều trị thì mọi người nên khám sức khỏe định kỳ, trong đó có xét nghiệm suy thận. Cùng tìm hiểu xem xét nghiệm suy thận cần làm những gì cần thiết.
1. Suy thận và xét nghiệm suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng thận không thể lọc các chất thải từ máu ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ các chất độc trong máu. Khi mắc phải bệnh này thường có dấu hiệu mệt mỏi, giảm bài tiết nước tiểu, đau ngực, co giật,... Các biểu hiện này có thể không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên mọi người thường hay bỏ qua, không đi khám. Khi phát hiện thì bệnh đã vào giai đoạn muộn.
Bệnh nhân suy thận thường không có biểu hiện rõ ràng nên thường phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn
Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm suy thận. Bao gồm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để đánh giá tình trạng và chức năng thận. Dựa vào kết quả của các loại xét nghiệm để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng sức khỏe hiện tại, đồng thời có phương pháp điều trị kịp thời, hợp lý.
2. Xét nghiệm suy thận cần làm những gì cần thiết?
2.1 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp đo được nồng độ creatinin. Đây là sản phẩm của quá trình chuyển hóa ở cơ bắp và bài tiết ra đường nước tiểu. Chỉ số này khá tin cậy để đo chức năng thận, đồng thời chẩn đoán suy thận cấp hay mạn tính.
Creatinin trong máu tăng cao thường gặp trong các trường hợp suy thận, do nhiều nguyên nhân:
- Suy thận do nguồn gốc trước thận;
- Suy thận do nguồn gốc tại thận;
- Suy thận do nguồn gốc sau thận.
Nồng độ creatinin máu phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và khối lượng cơ trong cơ thể. Khi bác sĩ nghi ngờ kết quả creatinin máu có thể chỉ định thêm xét nghiệm Cystain C.
Cystain C máu là xét nghiệm đặc hiệu trong phát hiện bệnh suy thận, có độ chính xác cao và không phụ thuộc vào khối lượng cơ, độ tuổi và giới tính. Đây là xét nghiệm thường quy được thực hiện hằng ngày trên hệ thống máy hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
2.2 Xét nghiệm nước tiểu
Thực hiện xét nghiệm này để đo lượng nước tiểu được bài tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này sẽ xác định tình trạng suy thận và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
2.3 Sinh thiết thận
Phương pháp sinh thiết tế bào thường dùng để chẩn đoán suy thận do tổn thương tại thận gây ra. Ngoài ra có thể chẩn đoán các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận một cách chính xác.
2.4 Một số các xét nghiệm khác
- Xét nghiệm ure máu
Cũng như xác định nồng độ creatinin thì xét nghiệm ure máu là chỉ số quan trọng để xác định tình trạng suy thận cấp. Nitơ ure được tạo ra khi gan phân hủy protein và bài tiết qua đường nước tiểu khi tích tụ đến một ngưỡng nhất định. Nồng độ ure máu cao là dấu hiệu cảnh báo bệnh như: suy thận, suy tim, mất nước, tắc nghẽn đường tiết niệu,...
- Xét nghiệm đo kali huyết
Khi thực hiện xét nghiệm đo kali huyết cho kết quả chỉ số tăng cao thì có khả năng mắc phải suy thận cấp. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm rối loạn nhịp tim và nguy hiểm đến tính mạng.
- Ước tính mức độ lọc cầu thận
Dựa vào tốc độ lọc và ước tính lượng máu đi qua cầu thận mà xác định được thận đã tổn thương ở giai đoạn nào.
2.5 Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm
Siêu âm là phương pháp phổ biến. Cũng có thể dùng để đo kích thước và vị trí của thận, xác định khối u hoặc các tổn thương thận, xác định vị trí tắc nghẽn mạch máu hay đường bài tiết nước tiểu.
Hiện nay, y học đã phát triển kỹ thuật siêu âm mới gọi là doppler màu. Có thể đánh giá cục máu đông, hẹp hoặc vỡ động, tĩnh mạch.
- Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính có hiệu quả trong việc phát hiện ung thư, các tổn thương thận, áp xe, sỏi thận,...
- Chụp cộng hưởng từ
Đây là phương pháp sử dụng sóng từ để tạo ra hình ảnh có độ tương phản cao, giúp chẩn đoán chính xác những tổn thương ở thận.
3. Nguyên nhân suy thận do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận như:
- Nguyên nhân suy thận trước thận: do giảm thể tích tuần hoàn do mất máu vì chấn thương, xuất huyết, viêm phúc mạc, viêm tụy, xơ gan, bỏng nặng, rối loạn điều hòa thân nhiệt,...
- Nguyên nhân suy thận tại thận: do nhiễm chất độc, nhiễm khuẩn nặng, tắc ống thận, tổn thương ống thận do thiếu máu, tổn thương do thuốc,...
- Nguyên nhân suy thận sau thận: do sỏi, u cục trong hệ tiết niệu, các chèn ép bởi khối u ở tử cung, tuyến tiền liệt,...