1. BỆNH GIUN ĐŨA CHÓ, MÈO LÀ GÌ?
Bệnh do ký sinh trùng giun đũa chó, mèo, tên khoa học là Toxocara sp, là một loại bệnh động vật ký sinh (zoonosis), tức là bệnh từ thú có xương sống lây truyền sang người.Các bệnh do giun Toxocara canis (ở chó) hoặc Toxocara cati (ở mèo) đều có chung những đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán và điều trị giống nhau nên thường được gọi chung là “Bệnh giun đũa chó, mèo hoặc Toxocara sp”.
Ngày nay do điều kiện sống cũng như sinh hoạt trong xã hội có rất nhiều gia đình nuôi chó, mèo nên việc tiếp xúc thường xuyên với những động vật nuôi trong nhà này dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Tuy nhiên do thói quen sinh hoạt của chó nên khả năng nhiễm Toxocara canis (từ chó) cao hơn Toxocara cati (từ mèo).
Vì bệnh do Toxocara sp gây nên là bệnh có vật chủ chính để ký sinh là động vật có xương sống mà thường là chó, mèo, nên khi Toxocara sp lạc vật chủ sang người chúng không bao giờ phát triển thành giun trưởng thành. Chính vì không có giun trưởng thành nên việc tìm trứng giun để chẩn đoán bệnh này ở người là điều không thể mà phải dựa vào xét nghiệm máu chẩn đoán. Việc gây bệnh của ký sinh trùng này ở người lại xảy ra ở mọi cơ quan nơi chúng di chuyển đến và ký sinh tại đó như da, cơ, gan, thận, mắt, não .. vv … và có thể gây những tổn thương với những triệu chứng đa dạng và hậu quả khác nhau.
2. CÁCH LÂY NHIỄM VÀ TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP KHI BỊ BỆNH!
Mặc dù cơ thể người chỉ là ký chủ ngẫu nhiên của Toxocara sp nhưng việc lây nhiễm cũng giống như ở vật ký chủ chính là do nuốt phải trứng có phôi của Toxocara sp, sau đó ấu trùng thoát khỏi vỏ trứng rồi xâm nhập qua thành ruột theo đường máu chu du khắp cơ thể người như gan, thận, phổi ..vv.. và gây bệnh cho con người tại những nơi chúng đến.
Các triệu chứng của bệnh gây ra bởi Toxocara sp tùy thuộc rất nhiều yếu tố như: số lượng ấu trùng nuốt vào cơ thể, thời gian bị nhiễm, nơi định vị cư trú của ký sinh trùng cũng như tùy thuộc vào phản ứng miễn dịch với ký sinh trùng của những ký chủ khác nhau cùng nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên nếu Toxocara sp gây bệnh ở nội tạng sẽ có một số triệu chứng sau:
- Bệnh nội tạng, gặp ở trẻ nhỏ 1 – 4 tuổi nhiều hơn ở người lớn với một hoặc những dấu hiệu: khởi phát từ từ, sốt nhẹ thoáng qua, ăn ít, gầy yếu, tiêu chảy, buồn nôn, đau người, mệt mỏi, khó thở nhẹ hoặc ho có đàm …vv. Các dấu hiệu trên có thể tự hết sau nhiều tuần (khi ấu trùng chết).
- Bệnh ở người lớn đôi khi không có triệu chứng hoặc có các dấu hiệu mờ nhạt như: sốt nhẹ, mệt mỏi, mẩn ngứa, khó thở dạngsuyễn và viêm phổi, giảm thị lực 1 mắt, hoặc các biểu hiện bệnh đau ở vùng gan với có thể gan, lách to, nổi hạch hoặc ở bất cứ cơ quan nào bị xâm nhiễm.
- Ngoài ra bệnh còn có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm vào não gây viêm màng não có thể có cơn động kinh hoặc với các triệu chứng kèm theo đặc trưng của cơ quan bị bệnh khác.
3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT BỊ NHIỄM GIUN ĐŨA CHÓ, MÈO?
Bệnh giun đũa chó, mèo hiện nay được coi là bệnh khá phổ biến do các yếu tố dịch tễ và các triệu chứng đã được mô tả ở phần trên, việc phát hiện bệnh là phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện để xét nghiệm chẩn đoán. Khi có các triệu chứng gợi ý cần đến khám, chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.
Trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học như hiện nay của Việt Nam cũng như trên thế giới thì việc chẩn đoán, điều trị bệnh ký sinh trùng nói chung và giun, sán nói riêng không còn là vấn đề khó khăn. Tại Việt Nam có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh có thể làm được điều đó, tuy nhiên hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực ký sinh trùng phải kể đến các Viện: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (đóng tại thủ đô Hà Nội), Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn (đóng tại thành phố Quy Nhơn) và Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh (phụ trách 20 tình thành khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, đóng tại TP Hồ Chí Minh).
ThS. Mai Anh Lợi
VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH