Định lượng nồng độ cortisol máu trong chẩn đoán hội chứng Cushing và suy thượng thận

Đăng bởi xuanson19822001@yahoo.com vào lúc 2020-05-07

SINH LÝ

Khi đáp ứng với một stress, vùng dưới đồi (hypothalamus) tiết hormon gây giải phóng hormon hướng thượng thận (corticotropin-releasing hormon [CRH]). Hormon này kích thích thùy trước tuyến yên tiết ACTH (hormon hướng thượng thận [adrennocorticotropic hormone]). Khi được tiết ra, ACTH kích thích vỏ thượng thận loại cortisol chuyển hóa đường (glucocorticoid hormone). Nếu nồng độ cortisol trong máu tăng lên, thông qua cơ chế điều hòa ngược (-) (nagative feedback) để kích thích tuyến yên giảm sản xuất ACTH.

Cortisol có một số chức năng sau đây:

Kích thích hình thành glucose (tân tạo glucose).
Kích thích thoái giáng các chất dự trữ năng lượng của cơ thể (vd: mỡ, protein carbohydrat).
Khởi động các đáp ứng giao cảm đối với tác nhân gây stress.
Giảm chức năng gây viêm và chức năng miễn dịch.
Kích thích bài tiết acid dịch vị.
Nồng độ cortisol máu cung cấp các thông tin quý giá liên quan với chức năng của vỏ thượng thận. Trong điều kiện bình thường, bài xuất cortisol của thượng thận thay đổi theo nhịp ngày đêm, với đỉnh hay nồng độ cao nhất trong khoảng 6 – 8h sáng và nồng độ thấp nhất xảy ra vào nửa đêm.

MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

Để chẩn đoán hội chứng Cushing và suy thượng thận: Cần định lượng nồng độ cortisol máu.

CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

Xét nghiệm được thực hiện trên huyết tương. Yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn và hạn chế hoạt động thể lực 10 – 12h trước khi lấy máu xét nghiệm. Cần ngừng dùng trong vòng 24h trước khi lấy máu xét nghiệm tất cả các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ cortisol máu (đặc biệt là các thuốc ngừa thai loại kết hợp estrogen và progesteron [estroprogestatif]. Trong trường hợp muốn xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng Cushing thì tiến hành lấy máu xét nghiệm vào các thời điểm 8h sáng và 20h (đây là các thời điểm nồng độ cortisol máu thấp nhất trong nhịp ngày đêm).

GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

Nồng độ Cortisol trong máu:

8h sáng đến 12h trưa: 5,0 – 25,0 µg/dL hay 138 – 690 nmol/L.
12h trưa đến 20h tối: 5,0 – 15,0 µg/dL hay 138 – 410 nmol/L.
20h tối đến 8h sáng: 0,0 – 10,0 µg/dL hay 0 – 276 nmol/L.
CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Nồng độ cortisol máu có thể thay đổi khi gắng sức, khi ngủ và trong tình trạng stress.
Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Các thuốc có thể làm tăng nồng độ cortisol máu: amphetamin, estrogen, cồn ethylen, lithium carbonat, methadon, nicotin, thuốc ngừa thai uống, spironolacton, glucocorticoid tổng hợp (ví dụ : prednison, prednisolon...)
Các thuốc có thể làm giảm nồng độ cortisol máu: androgen, barbiturat, dexammethason, levodopa, phenytoin.
LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG CORTISOL

Xét nghiệm hữu ích để chẩn đoán hội chứng cushing: Nồng độ cortisol máu tăng cao vào thời điểm 8h sáng đi kèm với tăng tương ứng hay thậm chí tăng cao hơn nồng độ cortisol ở thời điểm 20h đêm là một gợi ý có giá trị chẩn đoán.
Xét nghiệm hữu ích để chẩn đoán suy thượng thận: nồng độ cortisol máu thấp vào thời điểm 8h sáng.
CÁC CẢNH BÁO LÂM SÀNG:

Không khuyến cáo tiến hành làm xét nghiệm này nếu bệnh nhân đang dùng prednison/prednisolon do có tình trạng phản ứng chéo với kháng thể được sử dụng trong kỹ thuật định lượng cortisol.

Nguồn: "Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng" NXB Y học


Chia sẻ với bạn bè

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH XÉT NGHIỆM