Lợi ích của xét nghiệm định lượng canxi máu

Đăng bởi xuanson19822001@yahoo.com vào lúc 2020-03-22

    Xét nghiệm canxi máu là phương pháp phổ biến áp dụng cho những bệnh nhân có các triệu chứng của hạ canxi máu hoặc tăng canxi máu. Trong nhiều trường hợp, xét nghiệm này được coi như một phần của xét nghiệm máu thường quy, từ đó giúp chẩn đoán và phát hiện nhiều tình trạng bệnh lý quan trọng.

1. Tổng quan về canxi
    Canxi là khoáng chất thiết yếu của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể như tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền thần kinh, giải phóng các hormone vào trong máu. Lượng canxi dự trữ trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc vào 3 yếu tố chính:

  • Thức ăn và nước uống đưa vào
  • Hấp thu canxi từ ruột
  • Đào thải canxi qua nước tiểu và đường tiêu hóa.

    Canxi từ thức ăn đưa vào cơ thể, dưới sự tác động của một số yếu tố nội tiết (đặc biệt là vitamin D) giúp Canxi lưu hành trong máu sau đó tích trữ đại đa số trong xương, một số phần nhỏ ở trong cơ và tham gia các hoạt động về cơ, tim mạch...

    Trong máu, canxi được thể hiện dưới 2 hình thức:

  • Dạng bất hoạt, liên kết với các protein (chủ yếu là albumin): chiếm 50% lượng canxi lưu hành trong máu.
  • Dạng tự do (ion Ca2+) không gắn với các protein, chiếm gần một nửa lượng canxi máu.

    Lượng canxi máu là tổng canxi tự do và canxi bất hoạt. Tất cả sự thay đổi của nồng độ protein huyết thanh sẽ ảnh hưởng tới nồng độ canxi máu, tuy nhiên chỉ các biến đổi nồng độ canxi ion hóa mới gây ra các dấu hiệu lâm sàng thực sự. Ca2+ đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng co cơ, dẫn truyền các xung thần kinh, chức năng tim, và cả quá trình cầm máu của cơ thể.

2. Xét nghiệm canxi máu để làm gì?
    Xét nghiệm canxi máu là phương pháp dùng để đánh giá tổng lượng canxi có trong máu của người bệnh. Canxi đóng vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng cơ thể nên trong nhiều trường hợp bạn cần thực hiện xét nghiệm canxi máu để đánh giá tình trạng canxi tăng hoặc giảm trong cơ thể, từ đó đưa ra các chỉ định về sức khỏe phù hợp.

    Ngoài ra xét nghiệm canxi máu cũng được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý ác tính vì các tế bào ung thư thường giải phóng canxi gây tăng đột ngột nồng độ canxi trong máu.

3. Lợi ích xét nghiệm canxi máu
    Từ kết quả xét nghiệm canxi máu, bác sĩ có thể đánh giá chức năng tuyến cận giáp và chuyển hóa canxi photpho của cơ thể. Vì vậy đây là:

    Xét nghiệm không thể thiếu trong điều trị các chứng:

  • Co cơ, chuột rút, dị cảm
  • Hôn mê không rõ nguồn gốc.
  • Nôn không giải thích được.

   Xét nghiệm cũng được cho là giúp ích trong quá trình theo dõi tình trạng các bệnh nhân:

  • Bị suy thận, cường cận giáp, ghép thận
  • Viêm tụy cấp
  • Mắc các khối di căn xương
  • Bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc điều trị suy tim Digitalis, thuốc chống loãng xương Calcitonin hay thuốc lợi tiểu.

Xét nghiệm canxi máu giúp theo dõi tình trạng loãng xương

4. Quy trình xét nghiệm canxi máu
    Chuẩn bị: Trước khi thực hiện xét nghiệm canxi máu, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngừng dùng một số loại thực phẩm hoặc thuốc như: Thuốc lithium, Thuốc lợi tiểu, thuốc bổ sung vitamin D, Canxi, thuốc antacid có chứa canxi... để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Tiến hành: Quy trình thực hiện xét nghiệm canxi máu khá đơn giản.

Bước 1: Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông;

Bước 2: Sát trùng vị trí tiêm bằng cồn

Bước 3: Nhân viên y tế tiêm kim vào tĩnh mạch ở cánh tay, thực hiện thao tác rút lượng máu cần thiết.

Bước 4: Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu, thoa gạc hay bông gòn lên vị trí vừa tiêm.

Bước 5: Dán băng cá nhân lên vị trí vừa tiêm.

    Thao tác lấy máu thường mất chưa đến 5 phút, người thực hiện xét nghiệm có thể cảm thấy hơi đau nhẹ khi kim đâm vào cánh tay nhưng không đáng kể. Lượng máu thu được sẽ được cho vào ống nghiệm bảo quản và đem đi xét nghiệm.

Lấy mẫu máu xét nghiệm canxi


5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm canxi máu
  5.1. Giá trị bình thường
    Phạm vi tham chiếu bình thường cho xét nghiệm canxi trong máu ở người trưởng thành là khoảng 8,6 - 10,2 mg/dL 4,2 - 5,3 mEq/L hay 2,1 - 2,6 mmol/L. Tiêu chí tham chiếu này có thể khác biệt không đáng kể giữa các phòng thí nghiệm. Dựa vào chỉ số này có thể đối chiếu và phân loại tình trạng bệnh nhân là tăng canxi máu hay hạ canxi máu.

  5.2. Tăng nồng độ canxi máu (Tăng canxi máu)
    Khi xét nghiệm định lượng canxi máu cho thấy nồng độ canxi trên mức phạm vi tham chiếu được gọi là tình trạng tăng canxi máu.

    Tăng canxi máu dù gây ra bởi nguyên nhân nào cũng có thể hoàn toàn không có triệu chứng, hoặc được biểu hiện với các triệu chứng mơ hồ như: lú lẫn, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, táo bón, đau xương, tổn thương ống thận, rối loạn nhịp tim, khát nước thường xuyên, đi tiểu nhiều... Các bệnh cảnh lâm sàng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chỉ có xét nghiệm canxi máu mới giúp phát hiện tình trạng này.

  5.3. Giảm nồng độ canxi máu (hạ canxi máu)
    Khi xét nghiệm định lượng canxi máu cho thấy nồng độ canxi dưới mức phạm vi tham chiếu được gọi là tình trạng hạ canxi máu. Thông thường, tình trạng hạ canxi máu xảy ra khi mất quá nhiều canxi qua đường nước tiểu hoặc khi lượng canxi được chuyển từ xương vào máu không đủ. Các triệu chứng cho thấy mức canxi trong cơ thể thấp bao gồm:

  • Rối loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp
  • Cảm giác tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, ngón chân
  • Co cơ khắp cơ thể: chuột rút, tay chân co quắp, đau cơ bắp
  • Cảm giác ngộp, khó thở
  • Trầm cảm, dễ cáu gắt, căng thẳng




Chia sẻ với bạn bè

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH XÉT NGHIỆM