Nhận biết bất thường về bệnh lý máu

Đăng bởi xuanson19822001@yahoo.com vào lúc 2020-06-25

Các thành phần chính của máu gồm có huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu. Trong đó, bạch cầu giúp chống nhiễm trùng, hồng cầu vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể, tiểu cầu giúp cho quá trình đông máu, ngăn chặn tình trạng xuất huyết. Khi một trong những thành phần này bị rối loạn hoạt động, tình trạng mất cân bằng thể chất nghiêm trọng có thể xảy ra.

Việc rối loạn về các tế bào máu có thể dẫn tới nhiều bệnh lý cả lành tính lẫn ác tính, và cũng vì máu đi nuôi khắp cơ thể, các bệnh lý này có thể gây nên bệnh cảnh toàn thân, với nhiều triệu chứng rầm rộ.

1. Các triệu chứng có thể gặp trong các bệnh lý về máu
1.1 Triệu chứng thiếu máu:
Thiếu máu xuất hiện liên quan đến việc giảm số lượng hồng cầu. Do chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể nên mọi sự thiếu hụt hồng cầu đều gây ra hậu quả thiếu oxy ở các cơ quan đích trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như thở nhanh hoặc thở ngắn khi vận động, hoa mắt, mệt mỏi và/ hoặc nhợt nhạt.

1.2 Triệu chứng liên quan đến hiện tượng tăng sinh của tế bào ung thư máu
Phì đại cơ quan nội tạng và các cơ quan khác do xâm lấn tế bào ung thư vào các cơ quan như gan, lách, hạch. Trong một số trường hợp những tế bào này có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương có thể biểu hiện kích thích màng não gây nên triệu chứng đau đầu, nôn.

1.3 Triệu chứng về hạch
Tự sờ thấy hạch to, không đau thường gặp tại vùng cổ, nách, bẹn...

Hạch vùng cổ, nách, bẹn... sưng to là triệu chứng liên quan đến bệnh lý về máu


1.4 Triệu chứng nhiễm trùng
Là triệu chứng kết hợp với hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi. Chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài ví dụ tác nhân vi khuẩn, vì vậy lượng bạch cầu bị giảm sút dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ, hậu quả là dễ bị nhiễm khuẩn.

1.5 Triệu chứng chảy máu
Đây là triệu chứng liên quan đến tình trạng giảm số lượng tiểu cầu. Vì chức năng của tiểu cầu là cầm máu, nên mọi tình trạng thiếu hụt tiểu cầu đều làm tăng nguy cơ chảy máu ngay cả với chấn thương nhẹ, và kết quả xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu từ lợi hoặc từ mũi. Chảy máu nội tạng có thể gặp trong một số trường hợp nặng.

1.6 Triệu chứng toàn thân do bệnh lý ác tính
Mệt mỏi, gầy sút, suy sụp nhanh, sốt kéo dài, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.

2. Các xét nghiệm cần thực hiện để phát hiện, đánh giá, theo dõi bệnh lý máu
Xét nghiệm tế bào máu - xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu có thể tăng hoặc giảm, giảm số lượng tiểu cầu, hồng cầu. Trong một số trường hợp, có thể quan sát được tế bào ung thư ở máu ngoại vi.

Xét nghiệm tủy- chọc hút tủy xương: Chọc hút tủy xương là việc lấy một số lượng nhỏ mô tủy dưới dạng dịch lỏng để xác định sự có mặt của các tế bào ung thư, là yếu tố quyết định để chẩn đoán bệnh về máu. Vì tủy xương là “nhà máy sản xuất” các tế bào máu, để từ đó đánh giá bất thường từ nơi sản xuất ban đầu này.

Phân tích huyết thanh và nước tiểu - xét nghiệm hóa sinh: Xét nghiệm này sẽ phân tích các thành phần máu và nước tiểu.Ví dụ như nồng độ acid uric trong huyết tương và trong nước tiểu, nồng độ LDH sẽ tăng trong một số bệnh cảnh.

Xét nghiệm phân loại tế bào - kháng nguyên bề mặt tế bào: Các kháng nguyên trên bề mặt màng tế bào thể hiện đặc trưng cho từng dòng tế bào. Với các đặc điểm tế bào, chúng ta có thể nhận diện loại tế bào máu bình thường, loại tế bào máu bất thường. Từ đó đánh giá được các loại bệnh lý về máu.

Xét nghiệm tế bào máu có thể quan sát được tế bào ung thư ở máu ngoại vi


Xét nghiệm tìm bất thường gen - tìm bất thường nhiễm sắc thể: Các bất thường gen và nhiễm sắc thể có thể được tìm thấy ở nhiều bệnh cảnh về máu cả lành tính lẫn ác tính. Việc xác định ở mức độ tế bào chuyên sâu, sẽ giúp cho việc chẩn đoán, điều trị, tiên lượng, hay cả như về mặt di truyền.

3. Các bệnh lý về máu thường gặp
Bệnh lý lành tính: Thiếu máu thiếu sắt, bệnh thalassemia, xuất huyết giảm tiểu cầu, hemophilia...
Bệnh lý ác tính: Bệnh bạch cầu cấp, bệnh bạch cầu mạn, rối loạn sinh tủy, tăng sinh tủy...
4. Làm thế nào để nhận biết bệnh lý về máu sớm?
Cần khám sức khỏe định kỳ, với xét nghiệm máu cơ bản, có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện sớm các bệnh lý về máu. Luôn nâng cao nhận thức về các triệu chứng bất thường xảy ra, để có thể được thăm khám sớm.


Chia sẻ với bạn bè

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""
ĐẶT LỊCH XÉT NGHIỆM