1. Tổng quan bệnh Rối loạn lipid máu
Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu hay tình trạng nồng độ các chất mỡ trong máu tăng cao bao gồm cholesterol, triglycerid và các thành phần khác
Mỡ máu hay lipid máu bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau trong đó quan trọng nhất gồm có: Cholesterol, Triglycerid, HDL-Cholesterol (mỡ máu tốt) và LDL-Cholesterol (mỡ máu xấu).
Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng một cách bất thường cholesterol và triglycerid và làm giảm HDL-C trong máu. Rối loạn lipid máu là nguyên nhân của một loạt các bệnh lý nguy hiểm như các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và hậu quả là bệnh nhân có thể bị đột quỵ do tai biến mạch não. Ngoài ra tăng lipid máu còn gây ra viêm tụy cấp, nếu nhiều lần trở thành viêm tụy mạn và dẫn đến biến chứng đái tháo đường.
2. Nguyên nhân bệnh Rối loạn lipid máu
Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu bao gồm:
- Rối loạn lipid máu do lắng đọng trong cơ thể: Do giảm các chất tiêu mỡ, quá trình chuyển hóa bị rối loạn gây lắng đọng mỡ trong cơ thể.
- Do tăng huy động: Những người tâm lý căng thẳng, stress, mắc bệnh đái tháo đường làm tăng cường sử dụng lipid dự trữ trong cơ thể dẫn đến việc rối loạn chuyển hóa lipid.
- Do ăn uống: ăn quá nhiều các chất chứa dầu mỡ, chất béo, sử dụng rượu bia trong thời gian dài gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
3. Triệu chứng bệnh Rối loạn lipid máu
Các triệu chứng rối loạn lipid máu thường biểu hiện âm thầm không rõ rệt. Các triệu chứng thường gặp:
- Các dấu hiệu bất thường trong cơ thể: Vã mồ hôi, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, thở ngắn, dốc..
- Xuất hiện các nốt ban vàng dưới da, không đau, không ngứa.
- Xuất hiện các triệu chứng về tim mạch: đau thắt ngực, cảm giác đau tức, nặng ngực, cảm giác bị bóp nghẹt, đau lan ra 2 cánh tay và sau lưng. Một số người bệnh có biểu hiện của bệnh mạch máu ngoại vi như đầu ngón tay, ngón chân hay tê bì, đau buốt.
- Xuất hiện một số triệu chứng của tiêu hóa: Ăn uống đầy bụng, ậm ạch khó tiêu do gan, tụy bị ảnh hưởng bởi lipid máu tăng cao trong thời gian dài.
- Bệnh rối loạn lipid máu thường gặp trong bệnh cảnh rối loạn chuyển hóa nói chung nên có thể gặp ở những bệnh nhân có đái tháo đường từ trước.
4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn lipid máu
Khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh cần đi khám để có biện pháp điều trị cần thiết.
Biện pháp chẩn đoán rối loạn lipid máu quan trọng là xét nghiệm sinh hóa: Định lượng các thành phần mỡ máu (Cholesterol, Triglycerid, HDL-Cholesterol và LDL-Cholesterol) giúp cho bác sĩ nhận định tình trạng của người bệnh, phân loại và có phương pháp điều trị phù hợp.
5. Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn lipid máu
- Điều trị rối loạn lipid máu ở trẻ em: Điều trị chủ yếu bằng chế độ ăn uống và luyện tập. Chỉ dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa có tính chất gia đình hoặc do gen. Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị rối loạn chuyển hóa ở một số bệnh: Với bệnh nhân đái tháo đường ưu tiên sử dụng biện pháp thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc. Với các bệnh lý suy thận hay gan mật cần phối hợp điều trị bệnh nguyên và điều trị rối loạn lipid kèm theo.
- Điều trị bằng điều chỉnh lối sống: Tập thể dục, cải thiện chế độ ăn uống ít dầu mỡ, ăn ít nội tạng động vật, trứng lộn, hải sản, đồng thời sử dụng hạn chế bia rượu, làm việc khoa học giúp điều trị rối loạn lipid máu.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị. Vì các thuốc điều trị rối loạn lipid máu có thể gây tăng men gan, tiêu cơ vân. Do đó khi bị rối loạn chuyển hóa, người bệnh cần đi khám bệnh thường xuyên, làm xét nghiệm sinh hóa máu để kiểm tra các chỉ số lipid máu và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc cũng phải được theo dõi thường xuyên và tái khám định kỳ. Bệnh nhân không nên bỏ theo dõi lipid máu khi đã được chẩn đoán rối loạn lipid máu. Vì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu để mỡ máu tăng cao trong thời gian dài không kiểm soát. Trong đó có những bệnh cực kỳ nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, viêm tụy cấp là hậu quả của tăng lipid máu.